Ngày 5/10/2017, trạm xăng có vốn 100% nước ngoài dầu tiên được mở tại Việt Nam, được đặt tại khu công nghiệp Thăng Long, một trong những khu công nghiệp có rất nhiều các doanh nghiệp của Nhật Bản.
Một trạm xăng vốn hóa nước ngoài không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng trạm xăng này lại khiến người ta xôn xao và tạo ra một sự thay đổi không hề nhỏ. Điều làm người ta xôn xao không bởi vì công nghệ hiện đại hay giá xăng chênh lệch, trạm xăng đó không khác biệt gì quá nhiều với những trạm xăng khác của Việt Nam. Điều khiến người ta xuýt xoa đó là: hình ảnh vị tổng giám đốc người Nhật trong trang phục quần Âu và áo sơ mi chỉnh tề, cầm chiếc ô đen dưới trời mưa tâm tã đang vừa cúi chào đầy trang trọng những người đến mua xăng và hướng dẫn người mua xăng vào phía trong. Không chỉ vậy những nhân viên phía trong trạm xăng cũng có hành động cúi chào và một sự nhiệt tình, thân thiện mà người ta có lẽ không thường thấy ở các trạm xăng khác. Có khi là gần như chưa bao giờ một việc tương tự như vậy xảy ra cả.
(Nguồn: Infonet)
Nhiều người cho rằng đó là một dạng hình thức thu hút màu mè nào đó của một trạm xăng mới; nhưng có lẽ việc một vị tổng giám đốc đứng dưới trời mưa tầm tã nhiều giờ đồng hồ, hay việc một nhân viên cây xăng niềm nở cúi chào bạn, hướng dẫn bạn theo dõi bảng điện tử khi xăng được bơm vào xe, trong khi những nhân viên khác đang giúp bạn lau kính và gương xe của bạn với chi phí 0 đ… có vẻ như chẳng có một sự màu mè nào ở đây cả. Đơn giản bạn đang được trải nghiệm một văn hóa bán hàng đến từ đất nước hoa anh đào thôi.
Những ngày tiếp theo đó là những lời ca tụng không ngớt dành cho trạm xăng này từ những trang báo chính thống đến các trang mạng xã hội. Nếu có cơ hội tìm hiểu hay biết đến đất nước Nhật Bản, có lẽ mọi người cũng không còn xa lạ với văn hóa cúi chào của người Nhật. Họ cúi chào nhau không đơn thuần là cách thức tạm biệt như thường lệ, trong đó gói gọn những sự kính trọng, thể hiện sự ngưỡng mộ đối với người đối diện của người Nhật. Để nói đến văn hóa cúi chào có lẽ phải dành cả một chuyên đề nghiên cứu để phần nào tóm tắt về nó.
Bên cạnh những lời ca tụng người ta bắt đầu nhận ra những băng rôn được treo lên tại các trạm xăng khác: Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Mới có một trạm xăng thôi mà, nó lại nằm ở tận khu công nghiệp vùng ngoại ô Hà Nội, người Việt chúng ta vẫn luôn “cẩn thận” như vậy đấy. Bạn chợt nhận ra có vẻ như người đổ xăng ở trạm xăng gần nhà bạn trở nên niềm nở bất ngờ với bạn, kèm theo giọng nói truyền cảm mà lần đầu bạn được nghe: “em đổ bao nhiêu nhỉ?”, “cảm ơn em nhiều nhé”… bạn cũng có chút bất ngờ nhẹ nhẹ phải không? Có điều gì đang thay đổi hay là cả môt cuộc chơi cân não mà chúng ta là những quân cờ…
…(Còn tiếp)…