Những mẹo nhỏ để trở lại công việc sau thời gian nghỉ Tết.

Kì nghỉ tết Nguyên Đán kết thúc cũng là lúc chúng ta quay trở lại với công việc thường ngày và bắt đầu một năm mới. Câu chuyện đi làm sau Tết luôn là một đề tài kể mãi không hết của giới công sở. Một nỗi đáng sợ lớn gấp mười lần nỗi sợ ngày Thứ Hai.

Vậy làm thế nào để ngày đi làm đầu tiên của năm mới sẽ không còn là nỗi khiếp sợ ?

Bước 1: Sắp xếp và lên kế hoạch mọi công việc đang thực hiện và sẽ thực hiện khi trở lại làm việc 

Sắp xếp lại mọi kế hoạch hoặc dự án đang thực hiện trước kì nghỉ, hãy đảm bảo là sẽ không lỡ mất những công việc còn đang dang dở hoặc vô tình quên mất một đầu việc nào đó cần hoàn thành. Vậy là sau khi quay trở lại văn phòng, bạn sẽ biết mình tiếp tục phải làm gì.

Liệt kê một danh sách tiếp theo mà trong đó là những đầu công việc bạn cần và phải bắt đầu làm trong năm mới, hãy cố gắng liệt kê một cách chi tiết nhất có thể, kể cả những ý tưởng đang ấp ủ sẽ thực hiện trong công việc. Việc liệt kê chi tiết mọi đầu việc sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong những ngày đầu tiên quay lại làm việc.

Điều này giúp bạn dễ dàng định hình những gì mình phải làm cho dù một kì nghỉ dài có thể khiến bạn “chậm” lại một chút.

Bước 2: Dọn dẹp mọi thứ! 

Hãy dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp mọi thứ từ bàn làm việc, tài liệu, và thậm chí cả những dữ liệu trong máy tính.

Không ai muốn ngay ngày đầu tiên đi làm lại đã phải ngao ngán nhìn mớ hỗn độn giấy tờ cùng những vật dụng văn phòng vứt lộn xộn cả.

Bỏ hết tất cả những món đồ thừa thãi trên bàn làm việc, sắp xếp ngay ngắn, lau chùi sạch sẽ và đừng quên rửa sạch ly uống nước và úp chúng xuống trước khi ra về.

Những tài liệu không còn dùng đến hoặc đã hết hạn hãy chuyển chúng xuống phòng hủy hoặc tái chế, những tài liệu còn dùng đến để tham khảo hãy xếp vào một tập riêng biệt và đánh dấu lại. Những tài liệu khác hãy phân loại và sắp xếp khoa học nhất cho bạn.

Màn hình máy tính cũng nên được “sắp xếp” lại một chút giúp mọi thứ dễ nhìn hơn. Thay đổi hình nền máy tính một chút cũng là một gợi ý không tồi đâu. Bên cạnh đó, trang trí đơn giản một chút cho chỗ làm việc sẽ giúp bạn hứng thú hơn với công việc.

Bước 3: Hãy dành một ngày chỉ để nghỉ ngơi

Nếu bạn không nghỉ lễ tại thành phố mình làm việc, hãy cố gắng trở lại sớm hơn một chút. Dành 1 ngày trước ngày làm việc đầu tiên chỉ để nghỉ ngơi hoàn toàn. Không chất kích thích, không tụ tập ồn ào và không ngủ quá muộn. Chẳng ai muốn mang một đôi mắt thâm quầng và bộ dạng uể oải để trở lại công ty cả.

Hãy thư giãn với các liệu pháp trị liệu hoặc massage đơn giản, hay ít nhất hãy cho bản thân nghỉ ngơi thoải mái và một giấc ngủ sâu. Một vài động tác yoga hoặc dành 10′ làm nóng cơ thể cũng là một gợi ý hữu ích để lấy lại năng lượng cho chúng ta.

Bước 4: Đi làm sớm hơn

Hãy ra khỏi nhà sớm hơn thường nhật, điều này giúp bạn phần nào tránh được tình trạng kẹt xe và lưu lượng giao thông quá lớn.

Đến văn phòng sớm hơn, sắp xếp lại một chút, và tự thưởng cho mình một ly trà hoặc cà phê (đừng quên rửa lại ly/cốc của mình trước khi dùng) tận hưởng chút tĩnh lặng trong văn phòng. Đó sẽ là một trải nghiệm khá thú vị cho bạn.

Bước 5: Những lời chúc và một nụ cười. 

Hãy chuẩn bị một số lời chúc đầu năm mới dành cho đồng nghiệp, cấp trên và cả khách hàng. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho nhau vui lòng”; về cơ bản thì gần như tất cả các lời chúc đều miễn phí, vậy nên tiếc gì những lời chúc bình an, may mắn dành cho những người xung quanh.

Một tin nhắn hoặc email chúc mừng năm mới sẽ giúp cho khách hàng của bạn cảm thấy bạn thực sự quan tâm đến họ.

Và hãy bắt đầu một năm mới với một nụ cười, nó không chỉ giúp trái tim bạn khỏe mạnh mà còn giúp những người xung quanh cảm thấy vui vẻ và thoải mái.

 

Một năm mới đã bắt đầu rồi, xin chúc các bạn và gia đình một năm Bình An, May Mắn và Thịnh Vượng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *